Tìm hiểu về hệ thống nhà thông minh (Smart-Home)
Tìm hiểu về hệ thống nhà thông minh (Smart-Home)
Trước đây, nhà thông minh Smart-Home được xem là một tiện nghi siêu cao cấp, thường chỉ xuất hiện trong phim ảnh (ví dụ: phim Iron Man) hay trong dinh thự của giới thượng lưu, tỉ phú. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của IoT (Internet of Things), các thiết bị smart-home dần trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn với mọi người.
Mình mới bắt đầu tìm hiểu về Smart-Home để lắp đặt cho ngôi nhà đang xây nhà và nhận ra nó không đắt đỏ và phức tạp như tưởng tượng.Trên thực tế, chỉ cần đầu tư chưa đến 10 triệu đồng (vnd), chúng ta đã có thể thiết lập một hệ thống nhà thông minh đơn giản cho căn hộ của mình. Thú vị hơn khi bạn hoàn toàn có thể tự tay cài đặt và cấu hình toàn bộ hệ thống dựa trên đường điện có sẵn mà không cần phải thuê các công ty cung cấp giải pháp bên ngoài.
Bài viết giới thiệu về hệ thống nhà thông minh lần này sẽ là mở đầu cho loạt bài viết về Smart-Home. Mình sẽ vừa tìm hiểu vừa chia sẻ kiến thức tổng hợp được qua các nguồn trên mạng. Hy vọng các bạn tìm được thông tin hữu ích để nâng cấp cho ngôi nhà thân yêu của mình.
I. Nhà Thông Mình là gì?
Hệ thống nhà thông minh có thể được hiểu đơn giản là hệ thống các thiết bị trong nhà được kết nối và tương tác tự động với nhau, giúp nâng cao trải nghiệm sống trong căn nhà của bạn. Hệ thống này có khả năng tự động hóa nhiều hành động khác nhau giữa các thiết bị kết nối mà không cần đến sự tương tác của bạn. Ví dụ: tự động mở đèn khi trời tối, tự động mở máy lạnh khi nhiệt độ phòng vượt ngưỡng giới hạn, báo động khi camera phát hiện kẻ trộm,…
Chi phí lắp đặt nhà thông minh có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu hay vài trăm triệu tùy vào nhu cầu sử dụng của bạn. Hệ thống càng phức tạp, càng nhiều ngữ cảnh tự động sẽ đòi hỏi càng nhiều thiết bị kết nối, khiến chi phí tăng lên nhanh chóng.
Nếu chỉ mới tìm hiểu về nhà thông minh giống minh, các bạn chỉ nên bắt đầu với các thiết bị đơn giản như công tắc thông minh, đèn thông minh, camera tự động. Một khi đã quen với việc cấu hình và thiết lập thiết bị, các bạn sẽ dễ dàng mở rộng quy mô để biến căn nhà của bạn thực sự trở thành một Smart-Home đúng nghĩa.
II. Cơ chế hoạt động
Hệ thống tự động của nhà thông minh được dựa trên 2 cơ chế chính: dựa trên sự kiện thời gian (timed event) và dựa trên sự kiện tương tác (triggered event).
1. Sự kiện thời gian
Hệ thống nhà thông minh giống như một chiếc đồng hồ báo thức cao cấp. Nó luôn luôn nắm rõ thời gian trong ngày và kích hoạt thiết bị vào đúng thời điểm cần thiết bạn đã thiết lập trước đó.
Một số ví dụ về hệ thống tự động dựa trên thời gian:
- Bật đèn vào buổi sáng
- Mở đèn ở hiên nhà 15 phút trước khi trời tối
- Mở máy lạnh lúc 4h30 chiều, 30 phút trước khi bạn về đến nhà.
- Kích hoạt hệ thống báo động lúc 12h đêm để chống trộm
2. Sự kiện tương tác
Sự kiện tương tác kích hoạt hệ thống nhà thông minh dựa vào cơ chế cảm biến hành động. Nó hoạt động nhờ vào các cảm biến thông minh trong nhà của bạn.
- Mở hay đóng cửa
- Bấm nút
- Nhiệt độ
- Độ ẩm
- Cảm biến chuyển động
- Giọng nói
Trong số các sự kiện tương tác kể trên, điều khiển bằng giọng nói (Voice Command) là công nghệ mới nhất nhưng cũng thú vị nhất. Nó mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho hệ thống nhà thông mình.
Với thiết bị Alexa (của Amazon) hay Google Home (của Google), bạn có thể dễ dàng điều khiển các thiết bị trong nhà chỉ bằng cách ra lệnh:
- Hey Google, turn on the light
- Alexa, turn off the light.
Hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta có thể ra lệnh bằng tiếng Việt cho sướng: “Ê Google, tắt đèn dùm tao!”
Kết hợp hai loại sự kiện trên có thể mang đến rất nhiều ngữ cảnh tự động hóa thú vị cho ngôi nhà của bạn. Dưới đây là một số ví dụ:
- Tự động bật máy lạnh từ điện thoại trên đường về nhà. Khi về đến nhà, phòng đã mát lạnh chờ đón.
- Ra lệnh cho Google Home mở hoặc tắt tất cả đèn trong nhà.
- Mở đèn, báo động khi camera phát hiện chuyển động lạ vào nữa đêm.
- Tự động mở đèn trong khi bạn mở cửa chính
- Giảm âm lượng TV khi có khách bấm chuông trước cửa để bạn có thể nghe được tiếng chuông.
III. Lợi ích của hệ thống nhà thông minh
1. Trợ lý an ninh
Công nghệ nhà thông minh là trợ lý an ninh đắc lực, giúp bảo vệ gia đình và mái ấm của bạn. Hệ thống có thể giúp bạn trong các tình huống sau
- Tự động đóng vòi nước hoặc báo động cho bạn khi phát hiện có nước rò rỉ.
- Gửi tin nhắn hoặc thông báo điện thoại nếu phát hiện cửa chính hay cửa sổ bị mở khi bạn đi vắng.
- Tự động mở đèn chiếu sáng khi hệ thống phát hiện khói, giúp việc di tản dễ dàng hơn
- Gửi hình ảnh / video clip nếu hệ thống phát hiện chuyển động lạ ở nhà khi bạn đi vắng.
- Tắt hết đèn và thiết bị khi bạn ra khỏi nhà để tiết kiệm điện.
- Mở chuông báo động trong trường hợp phát hiện có kẻ trộm.
Trên đây là các ngữ cảnh đơn giản bạn có thể thiết lập với hệ thống nhà thông minh của mình (với điều kiện có đầy đủ thiết bị phù hợp). Bạn có thể dễ dàng tùy biến các ngữ cảnh trên cho phù hợp với nhu cầu của mình.
2. Nâng cao chất lượng sống
Công nghệ nhà thông minh Smart-Home mang đến sự tiện nghi cho căn hộ của bạn. Nó đặc biệt hữu ích đối với người già và những người khuyết tật. Chẳng hạn việc bấm nút tắt mở đèn trên điện thoại sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải thao tác trên công tắc gắn tường.
Sử dụng các thiết bị trợ lý bằng giọng nói như Alexa hay Google Assistant có thể nhắc nhở người già việc uống thuốc mỗi ngày. Chúng còn cung cấp thông tin hữu ích mỗi ngày như thời tiết, tin tức,…Những người khuyết tật có thể dễ dàng điều khiển các thiết bị trong nhà chỉ với giọng nói mà không cần phải di chuyển khó khăn.
Nhà thông minh Smart-Home giúp chúng ta cải thiện khả năng kiểm soát môi trường xung quanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.